CHUYỂN ĐỔI SỐ GIÚP “TỪ KHÔNG THÀNH CÓ”
Năm 2019, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo đối với việc ứng phó giảng dạy trong mùa dịch là thực hiện ngay công tác giảng dạy trực tuyến nhằm đảm bảo theo đúng kế hoạch của năm học mới với chủ trương “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”. Theo đó, để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19 việc dạy và học trực tuyến là giải pháp tình thế, giải pháp bắt buộc phải thực hiện, phát huy hiệu quả trong việc bổ sung kiến thức kịp thời đến học sinh.
Thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo, toàn ngành giáo dục nói chung, cán bộ giáo viên trường THCS Trường Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng nói riêng đã tập trung thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo đó. Một trong những yếu tố góp phần vào thành công của nhà trường chính là sự tiếp cận nhanh nhạy kịp thời với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay. Qua các cuộc họp chỉ đạo của Ban Giám hiệu triển khai tới các tổ và giáo viên thực hiện chỉ đạo của Sở giáo dục Hải Phòng, Phòng giáo dục huyện An Lão về việc dạy học trực tuyến ứng phó kịp thời với đại dịch. Nhà trường đã thành lập tổ tư vấn về công nghệ thông tin để tập huấn cho tất cả cán bộ giáo viên trong trường trong quá trình giảng dạy luôn hỗ trợ, trợ giúp kỹ thuật để quá trình giảng dạy và sử dụng hiệu quả nhất.
Trong quá trình tư vấn tập huấn cho cán bộ giáo viên, tổ tư vấn đã tập huấn các phần mềm dạy học trực tuyến như: Zoom Cloud Meeting; Google Meet, Teams.. để mỗi cán bộ giáo viên giảng dạy cho phù hợp với lớp học, đường truyền của mình. Đặc biệt với cán bộ giáo viên và học sinh thành phố Hải Phòng đã được Sở giáo dục đào tạo cấp miễn phí tài khoản Teams cho quá trình dạy và học trực tuyến, phần mềm cung cấp nhiều tính năng thú vị cho dạy học như: sử dụng bảng trắng kỹ thuật số, trình chiếu slide bài giảng, chia nhóm,….Trong quá trình học các thầy cô đều tận dụng các tính năng này và thao tác trên máy tính để dạy học trực tuyến cho học sinh . Đặc biệt phần mềm có tính bảo mật cao.
Chính từ cái khó ló cái khôn đã giúp ngành giáo dục vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục không bị gián đoạn. Sau đại dịch hiển nhiên có một điều là “từ không trở thành có” đó là các phương tiện máy tính, điện thoại, maxbook được trang bị khá đầy đủ từ thầy cô giáo đến học trò.
Sau đại dịch, việc sử dụng và phát huy các thiết bị đó nếu không tốt thì quả là một lãng phí tiền của, nhất là của các phụ huynh đã mua cho con em sử dụng. Đặc biệt lại tăng thêm nỗi lo lắng cho phụ huynh học sinh, con em mải chơi điện tử sao nhãng học hành. Trước vấn đề đó, Tổ tư vấn công nghệ thông tin đã đề xuất Ban giám hiệu, các Tổ chuyên môn trong các buổi sinh hoạt đã tiếp tục bàn bạc để đưa ra các phương pháp giảng dạy và học tập phát huy các thiết bị có sẵn của học sinh sao cho hiệu quả. Nhưng không phải là hình thức học trực tuyến như cũ mà đề xuất có những biện pháp, giải pháp, tích cực hỗ trợ các em học sinh. Đồng thời, cần phải bảo đảm không gây áp lực với học sinh, cụ thể nhằm ôn tập bổ sung kiến thức cần thiết cho các học sinh trước khi thực hiện nội dung mới và kiểm tra đánh giá theo quy định.
Các đồng chí giáo viên tiêu biểu như thầy Lê Tuấn Anh với môn Toán, Tin; thầy Phạm Huy Liệu với môn Toán, Hóa, Sinh; Nguyễn Bách Phương với môn Toán, Lý; thầy Nguyễn Đức Hậu với môn Văn, Địa; cô Vũ Thị Kim Oanh ,Trần Thị Quế với môn Văn - Sử, thầy Phạm Văn Hương với môn Văn- Địa, Cô Quyên với môn GDCD biên soạn hệ thống câu hỏi, bài tập đưa trên các phần mềm để học sinh học tập trước và sau khi học bài mới.
Với các phần mềm đều dễ cài đặt dễ sử dụng như phần mềm học tập: SHub Classroom – giao bài tập online. Với ứng dụng hoàn toàn miễn phí, tích hợp cả trên 2 hệ điều hành ios và androis này, thầy cô có thể giao bài tập, bài kiểm tra cho học sinh làm từ xa. Hơn nữa hỗ trợ giáo viên chấm bài ngay trên ứng dụng một cách nhanh chóng.
eNetViet là ứng dụng liên lạc trực tuyến giúp kết nối Gia đình và Nhà trường, là ứng dụng duy nhất cho phép tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục hỗ trợ công tác điều hành của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu nhà trường và công tác chuyên môn của Cán bộ giáo viên trong các trường học, eNetViet cung cấp tính năng kế hoạch học tập hỗ trợ giáo viên soạn thảo, giao bài, chấm điểm, nhận xét và tương tác với phụ huynh và học sinh. App điểm danh, duyện đơn xin nghỉ học trực tuyến, thông tin tiêm vắc xin, nhiễm cô cod.... Tiết kiệm rất nhiều thời gian cho giáo viên khi ứng dụng cho phép đồng bộ bảng điểm, chuyên cần… và các dữ liệu khác trên hệ thống cơ sở dữ liệu. Kết nối dễ dàng với phụ huynh, học sinh và các giáo viên bộ môn của lớp thông qua tin nhắn, trò chuyện trực tiếp trên ứng dụng.
Azota là ứng dụng để các giáo viên giao và chấm bài tập, bài thi online với nhiều tiện ích mới nhất. Giảm bớt áp lực cho giáo viên trong công tác kiểm tra định kỳ học sinh trực tuyến. Ứng dụng đặt biệt tích hợp trên cả 2 hệ điều hành android và ios để bất kỳ học sinh nào cũng có thể sử dụng để tương tác với giáo viên. Tuy nhiên đối với giáo viên thì nên sử dụng trên web để đỡ tốn dung lượng máy, giao bài tập nhanh hơn khi file có sẵn trên máy tính. Với úng dụng này sau khi giáo viên giao bài tập trên ứng dụng, học sinh làm bài, hoàn thành ngay trên ứng dụng, phần mềm chấm điểm tự động hỗ trợ giáo viên thực hiện nhanh chóng để thông báo kết quả đến phụ huynh.
Việc áp dụng hiệu quả giao bài và làm bài trên app mang tính ứng dụng cao được thầy giáo Phạm Huy Liệu hướng dẫn học sinh viết đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp huyện “ Xây dựng app câu hỏi thi trắc nghiệm” được PGD đánh giá cao.
Hiện 100% cán bộ giáo viên nhà trường thực hiện đồng bộ việc đưa kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài giảng trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, không còn những quyển giáo án dạy cộp, tập tư liệu lỉnh kỉnh.... đây quả là một cuộc cách mạng trong chuyển đổi số của ngành giáo dục nói chung và mỗi giáo viên nói riêng.
Đặc biệt thực hiện chuyển đổi số, từ năm học 2022 – 2023 nhà trường thu phí và lệ phí của học sinh từ phụ huynh không dùng tiền mặt mà chuyển khoản qua app hoặc tài khoản chuyên thu của nhà trường.
Qua đại dịch, chúng ta đều nhận thấy mỗi giáo viên tự trang bị cho mình khả năng, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm, hệ thống dạy học trực tuyến. Ngoài ra, có thể lựa chọn một trong các hình thức như dạy thông qua trực tuyến, qua online, qua nhóm zalo, messenger, facebook, email...
Hy vọng trong tương lai, chuyển đổi số được đề cập nhiều hình thức hơn trong giáo dục để hoạt động dạy và học thực sự trở thành xu thế để thế hệ trẻ có thể tiếp cận cách học mới, cả thầy và trò đều có một tâm thế sẵn sàng, không gặp bỡ ngỡ trong khi triển khai, chuẩn bị nội dung bài bản, đa dạng hóa phương pháp dạy học và học.